Đặc điểm loài ruồi
Ruồi ăn tất cả các loại thực phẩm, chất thải của con người, động vật. Đặc biệt loài này rất thích các loại chất thải mang mầm bệnh như đờm, chất nôn, dãi, máu và các tổ chức hoại tử… Cũng chính vì điều này mà cơ thể ruồi mang rất nhiều mầm bệnh, và mọi người chưa bao giờ có thái độ thân thiện với loài này.
Cấu tạo cơ thể của ruồi
Cấu tạo cơ thể của một con ruồi trưởng thành được chia thành 3 phần: Đầu, ngực và bụng, mỗi phần chứa một số bộ phận và nhận nhiệm vụ khác nhau.
Phần đầu
Đầu ruồi bao gồm một cặp mắt, râu và khoang miệng. Râu nhận nhiệm vụ phát hiện mùi và cấu trúc râu của con cái, con đực không giống nhau. Phần mắt kép có cấu tạo tinh vi giúp loài côn trùng này có tầm nhìn bao quát hơn.
Loài ruồi sinh tồn chủ yếu là nhờ vào thị lực, chính vì thế nên mắt kép của chúng bao gồm hàng nghìn các thấu kính vô cùng nhạy cảm và chuyển động liên tục. Một số loài có thể nhìn được hình ảnh 3D rõ nét và một số loài khác còn có cơ quan thính giác vô cùng tiến hóa.
Phần ngực
Phần ngực của loài côn trùng này là nơi chứa cặp cánh, bộ phận thăng bằng và 3 cặp chân.
Cặp cánh đơn của ruồi nằm ở đốt ngực giữa, ngoài ra chúng còn có một bộ phận thăng bằng gọi là cánh sau nằm ở đốt ngực cuối. Chân của loài này có 3 cặp gắn với ngực và có 5 đốt với khung xương chân vô cùng cứng cáp.
Phần bụng
Phần bụng của ruồi có 11 đốt hoặc có một số loài phân thành 10 đốt (2 đốt cuối được hợp nhất). 2 – 3 đốt cuối của phần bụng chứa cơ quan sinh sản của chúng. Ngoài ra, bụng của loài này còn chứa các cơ quan tiêu hóa.
Thông thường phủ quanh cơ thể ruồi còn có một lớp lông như một cơ quan giúp chúng có thể cảm nhận được thức ăn và mùi vị.
Vòng đời của ruồi
Để có thể phát triển thành một con ruồi trường thành, bay đậu khắp nơi thì ruồi phải trải qua 4 giai đoạn phát triển: Trứng – Ấu trùng – Nhộng – Ruồi trường thành.
Giai đoạn trứng
Con cái sau khi được thụ tinh từ con đực sẽ tìm một nơi thuận tiện nhất để đẻ trứng. Chúng sẽ tìm những nơi dơ bẩn nhất để sinh sản như xác chết động vật, bãi rác… Sở dĩ chúng đẻ trứng ở những nơi này bởi đây là nơi lý tưởng để ấu trùng của chúng dễ dàng phát triển hơn.
Trứng của ruồi có màu trắng đục kích thước khoảng 1,2mm. Mỗi lần sinh sản chúng có thể cho ra 75 – 150 trứng. Trung bình cuộc đời của ruồi cái có thể sinh sản từ 500 – 900 trứng.
Giai đoạn ấu trùng
Trứng nở ra thành ấu trùng mất khoảng 1 – 3 ngày, ấu trùng còn được gọi là giòi. Chúng sau khi chui ra khỏi trứng sẽ ăn các chất hữu cơ xung quanh để hấp thụ protein, dưỡng chất… tại chính nơi mà mẹ chúng đã đẻ trứng.
Kích thước của giòi trong giai đoạn này khoảng từ 3 – 9mm và chúng sẽ có khoảng 2 lần lột xác để cơ thể lớn dần. Ở giai đoạn này, nhiệm vụ chủ yếu của ấu trùng là chỉ ăn để tích trữ năng lượng, đến một thời điểm chúng sẽ chui vào nơi tối tăm để chuẩn bị hóa thành nhộng.
Giai đoạn nhộng
Sau khoảng thời gian tích trữ năng lượng từ 2 tuần đến 1 tháng ấu trùng sẽ lột xác thành nhộng. Lúc này chúng đã ở một nơi khô ráo, mát mẻ và không có ánh sáng để tiếp tục sự phát triển của mình.
Trên thực tế, nhộng là một cái kén chứa ấu trùng đang tiến hóa dần dần thành ruồi. Nhộng có hình trụ, đầu tròn, vỏ bắt đầu cứng dần độ dài đạt khoảng 1,2mm. Nhộng ban đầu có màu vàng nhạt sau đó sẫm dần sau cùng sẽ chuyển thành nâu đỏ.
Giai đoạn ruồi trưởng thành
Nhộng sẽ tiến hóa thành ruồi trưởng thành chỉ từ 2 – 6 ngày trong điều kiện lý tưởng và mất 20 ngày nếu ở thời tiết xấu. Ruồi sẽ đục lớp vỏ nhộng và chui ra ngoài, kích thước của chúng lúc này đạt từ 5 – 8mm.
Thời gian để chúng có thể phát triển hoàn thiện đầy đủ ở con đực là 16 giờ và ở con cái là 24h. Sau đó chúng sẽ bay đậu khắp nơi để tìm kiếm thức ăn và làm nhiệm vụ tạo ra vòng đời mới sau này.
Trung bình tuổi thọ của loài ruồi nhà vào khoảng 28 ngày bao gồm cả thời gian từ giai đoạn trứng. Như vậy chúng chỉ có khoảng 14 ngày ở giai đoạn con trưởng thành, tuy thời gian ngắn nhưng chúng lại sản sinh ra hàng nghìn trứng nên số lượng ngày càng nhiều hơn.